3 Quy Tắc Trọng Âm Mấu Chốt Giúp Bạn Nói Tiếng Anh Chuẩn

3 quy tắc trọng âm mấu chốt giúp bạn nói chuẩn tiếng Anh

Hôm rồi, tôi có hỏi Jack, một thầy giáo tiếng Anh bản xứ rằng, nếu như tôi phát âm sai quy tắc trọng âm, thì họ nghe có hiểu không? Chẳng hạn Banà, tôi đọc thành BanàNÁ thì sao? Đặc biệt là cảm giác thế nào, nghe có buồn cười như kiểu người Tây khi đọc sai tiếng Việt và biến nó thành từ khác?

Sau đó chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thú vị về các quy tắc trọng âm, và cách nói tiếng Anh chuẩn. Trên Blog Fususu lần này, chúng ta hãy cùng khám phá lý do cũng như làm sao để nhớ tất cả các quy tắc trọng âm nhanh nhất, để giúp bạn nói tiếng Anh tự nhiên như Tây nhé!

3 quy tắc trọng âm mấu chốt giúp bạn nói chuẩn tiếng Anh

Tại sao lại có các quy tắc trọng âm trong tiếng Anh?

Hồi còn học tiếng Anh ở trường, một trong những bài tập khoai nhất với tôi đó là đánh trọng âm. Chúng tôi phải thuộc lòng cả tá quy tắc trọng âm rồi vào phòng thi trả bài, và sau đó thì quên sạch. Sau này tìm hiểu về cách nói tiếng Anh chuẩn, tôi mới biết trọng âm có vai trò quan trọng thế nào khi luyện nói tiếng Anh.

Bạn còn nhớ Jack chứ? Ông rất hứng thú với tiếng Việt, vì… nó rất khó. Đặc biệt là khi bạn thay đổi cao độ của một từ, nghĩa sẽ hoàn toàn khác đi và điều này sẽ gây ra không ít rắc rối. Chẳng hạn, Jack sợ rằng khi vào quán Cafe, nếu ông nói sai từ Cafe Sữa thành Cafe Sứa, thì người ta sẽ cho con sứa vào cafe!

Khi nghe ông kể vậy, tôi đã hỏi ông rằng khi chúng tôi phát âm sai quy tắc trọng âm tiếng Anh như trên, thì có tạo cảm giác buồn cười và bị hiểu nhầm nghiêm trọng như vậy không? Thì may quá, câu trả lời là không. Dù bạn đọc đúng quy tắc trọng âm BaNÁnà, hay đọc thành BanàNÁ thì họ vẫn nghe ra Banana.

Chỉ có điều…

Là nghe sẽ không được tự nhiên. Hãy nhớ tới tiếng chỉ đường của cô Google Map huyền thoại. Nếu bạn đọc sai quy tắc trọng âm, có thể họ vẫn hiểu, nhưng nghe sẽ không tự nhiên, và đôi khi (may là chỉ đôi khi thôi) nghĩa của từ sẽ thay đổi. Vd, cùng từ present, nếu đọc PREsent hay PreSENT sẽ ra nghĩa khác nhau!

[irp url=”https://nhasachnamanh.com/cach-luyen-noi-tieng-anh-tai-nha-troi-chay/”]

Trọng âm là gì? Đơn giản là một âm quan trọng. Nếu đã đọc Blog cách nối âm này, bạn đã biết tiếng Anh là ngôn ngữ của sự hiệu quả. Nói đúng quy tắc trọng âm, không chỉ giúp người ta dễ dàng hiểu bạn, mà còn giúp tiết kiệm sức lực (rõ ràng là đọc to tất cả từng âm, sẽ mệt hơn là tập trung vào một số âm quan trọng).

Cách nhấn trọng âm cơ bản nhất cần nằm lòng

Thật ra việc bạn thuộc lòng cả tá quy tắc đánh trọng âm, và biết được âm tiết nào cần nhấn, không quan trọng bằng việc bạn biết cách nhấn âm đó chuẩn xác. Song nhấn trọng âm thế nào cho thật tự nhiên, thì không phải ai cũng biết. Nhiều người thường cố đọc to phần trọng âm lên, đôi khi còn mất tự nhiên hơn ấy chứ!

Cách để nhấn trọng âm cũng không khó khi bạn hiểu bản chất của nó. Thật ra đơn giản là bạn làm cho âm đó trở nên quan trọng, khác biệt. Có ba yếu tố giúp cho một âm trở nên khác biệt:

1 – Bạn nói to hơn (baNAna)
2 – Bạn nói cao hơn (bana)
3 – Bạn nói dài hơn (baNAAAna)

Còn một cách khác mà ít người biết, đó là bên cạnh việc tập trung nhấn trọng âm cho to hơn, rõ hơn, dài hơn thì còn một mẹo nữa là bạn làm ngược lại với các âm còn lại không phải trọng âm. Chẳng hạn “ba” và “na” bạn chỉ cần đọc nhỏ hơn, là tự nhiên từ NA ở giữa sẽ trở thành trọng âm. Đơn giản phải không nào!

Ngoài việc nhấn trọng âm trong một từ, bạn cũng nên tìm hiểu thêm cách nhấn một từ nào đó trong câu nữa. Tương tự như trong một từ có nhiều âm tiết, sẽ có âm cần nhấn thì trong một câu, sẽ có những từ cần nhấn và không cần nhấn. Chẳng hạn như từ bôi đậm trong câu dưới đây sẽ được nhấn mạnh.

The cat sat on the mat while eating its favourite food

Điều này sẽ tạo ra nhịp điệu trong câu, giúp bạn nói tiếng Anh dễ nghe hơn là bắn pằng pằng đều đều từng từ. Chi tiết hơn về nhịp điệu trong câu, bạn có thể đọc thêm Blog Tự học tiếng Anh ở nhà & cách phát âm chuẩn Tây nhé.

3 quy tắc trọng âm cơ bản giúp bạn nói chuẩn tiếng Anh

Khi bạn đã nắm được bản chất rồi, thì việc áp dụng các quy tắc trọng âm sẽ dễ dàng hơn nhiều. Dưới đây là một clip giải thích, và tổng hợp khá đầy đủ các quy tắc trọng âm cơ bản và rất dễ hiểu.

Note: Bạn có thể xem phần Transcript của Clip trên tại đây hoặc xem tôi tóm tắt đầy đủ các quy tắc đánh trọng âm trong tiếng Anh bên dưới. Ngoài ra ở cuối Blog là mẹo nhỏ mà có võ, giúp bạn thuộc quy tắc trọng âm nhanh chóng hiệu quả.

1 – Quy tắc trọng âm trẻ mẫu giáo cũng biết với các từ 2 âm tiết.

Với danh từ và tính từ có 2 âm tiết, trọng âm rơi vào âm đầu tiên. Với động từ hai âm tiết, trọng âm rơi vào âm thứ hai. Ví dụ:

Danh từ: PICture, MInute, MOney, DOCtor, WAter.

Tính từ: HAppy, YEllow, USeful, FORmal, TIring.

Động từ: decIDE, forgET, explAIN, arrIVE, repEAT.

Ngoại lệ: hoTEL, HAPpen, exAM, FINish v.v…

Lưu ý: Nói chung quy tắc đặt ra là để… phá vỡ, khó có quy tắc trọng âm nào đúng 100%, kiểu gì cũng có ngoại lệ. Nên tốt nhất là khi tra từ điển bất cứ từ nào, bạn hãy để ý phần trọng âm, rồi đối chiếu xem có tuân theo quy tắc không nhé.

Nguyên tắc này cũng áp dụng với các danh từ ghép, tính từ ghép và động từ ghép nhé. Vd. Be và Come ghép lại thành BeCOME, rồi underSTAND; Danh từ ghép: BIRTHday, BOOKshop, GUIDEbook, FILMmaker; Tính từ ghép: AIRsick, HOMEsick, CARsick, WATERproof;

Ngoại lệ: dutyFREE, snowWHITE, v.v.. hoặc các tính từ ghép mà từ đằng sau ở dạng quá khứ, thì trọng âm sẽ rơi vào chính nó. Vd. short-SIGHTED, wellDONE, wellKNOWN, v.v…

2  – Quy tắc trọng âm cho những từ nhiều hơn 2 âm tiết mà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ý tôi nguồn gốc xuất xứ ở đây là một từ ngắn hơn. Trong tiếng Anh bạn sẽ thấy có nhiều từ dài với 3, 4, 5 âm tiết, song bắt nguồn từ một từ gốc nào đó. Khi ấy, trọng âm thường cũng chính là trọng âm của từ gốc luôn.

Vd. COMfort, COMfortable, disCOMfort, unCOMfortable, COMfortably, COMforting.

Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ trọng âm sẽ đổi vị trí. Chẳng hạn: PHOtograph, phoTOgraphy,  photoGRAphic; eCOnomy, ecoNOmic; EDucate -> eduCAtion.

3 – Quy tắc trọng âm cho những từ có tận cùng là một đuôi nào đó phổ biến:

a – Nếu từ có đuôi -tion, -sion, -ic, -cian thì trọng âm thường rơi ngay cạnh đó (âm thứ 2 từ cuối lên). Vd. inforMAtion, disCUssion, poliTIcian, situAtion, reVIsion, elecTRIcian, ecoNOmic, draMAtic, atLANtic, scienTIFic

b – Nếu từ có đuôi -y, -al, -ate thì trọng âm thường rơi vào cách đó một âm (âm thứ 3 từ cuối lên). Vd. biOLogy, LUCKily, acTIVity, possiBILity, inspiRAtional, hyPOthetical, imMEdiate, v… Suy ra từ nào đuôi -y, –al, -ate mà chỉ có 3 âm tiết, thì trọng âm sẽ là âm đầu tiên. Vd. CHEMistry, PREGnancy, ROBbery, NAtional, v.v..

c – Nếu từ có đuôi -ous thì trọng âm tùy vào số âm tiết của từ đó.

Từ có 2 âm tiết, trọng âm thường rơi vào âm thứ nhất: ANxious, ZEALous, CONscious, FAmous, GRAcious, GORgeous, JEAlous, JOYous.

Từ có 4 âm tiết, trọng âm thường rơi vào âm thứ hai: aNONymous, luxURrious, hilARious, conTINuous, consPICuous.

Từ có 3 âm tiết, thường không theo quy luật nào cả: FABulous, ENvious, SERious,  DANgerous, FURious, eNORmous, ficTIcious, conTAgious, amBITious, couRAgeous.

Trên đây là các quy tắc trọng âm mấu chốt. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều ví dụ và quy tắc chi tiết khác tại đây.

Mẹo nhỏ mà có võ: Cách thuộc quy tắc trọng âm nhanh chóng dễ dàng

Tôi cũng đã hỏi các thầy cô giáo tiếng Anh bản xứ, rồi tham khảo các nguồn sách vở, báo chí về tiếng Anh. Tin buồn là các quy tắc trọng âm khá linh hoạt, và có khá nhiều ngoại lệ. Do vậy, việc thuộc các quy tắc trên chưa chắc đảm bảo bạn sẽ đánh trọng âm chính xác 100% trong bài thi, hoặc trong thực tế.

Mặc dù là người bản xứ, song Jack có nói… mãi sau này khi đi dạy tiếng Anh, ông mới biết tới sự tồn tại của trọng âm, ha ha! Vì thực tế là do sinh ra ở Mỹ, tiếng Anh là chuyện cơm bữa hàng ngày và họ ít khi để ý thứ đó. Họ phát âm theo những người xung quanh, lâu dần thành quen tai, quen miệng.

Do vậy, cách để thuộc quy tắc trọng âm hiệu quả nhất, là bạn tập thói quen để ý trọng âm khi học từ mới, khi tập nói tiếng Anh, đặc biệt là khi luyện nghe tiếng Anh cho thành phản xạ. Bạn có thể áp dụng các mẹo nhỏ mà có võ sau:

1 – Trước khi tra từ mới, hãy đoán xem trọng âm ở đâu, rồi đối chiếu với từ điển.
2 – Khi viết lại, tập viết từ mới, bạn hãy dùng bút màu khác để viết phần trọng âm. Vd. baNAna
3 – Khi luyện nghe, hãy để ý cách họ nhấn phần trọng âm, và cách thả lỏng các phần không phải trọng âm.

Làm vậy thường xuyên với bất cứ từ tiếng Anh nào, quy tắc trọng âm sẽ ngấm vào máu bạn. Và đôi khi, đọc một từ nào đó, bạn sẽ biết ngay trọng âm của nó nằm ở đâu thì nghe sẽ “xuôi tai” và “quen miệng” nhất. Suy cho cùng, tiếng Anh là ngôn ngữ của sự hiệu quả, nên nếu cảm thấy khó đọc, khó nghe, thì trọng âm 90% sẽ nằm chỗ khác.

Vậy là bạn đã nắm được 3 quy tắc trọng âm mấu chốt rồi, bạn còn biết bí quyết nào giúp nói tiếng Anh chuẩn không? Hãy comment nhé!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *