Nói về các nguyên tắc bỏ thói quen xấu, đã bao giờ bạn rơi vào tình huống này chưa?
Bạn có một thói quen xấu, bạn tưởng mình đã thoát khỏi nó, nhưng rồi, trong lúc yếu lòng, bạn đã cho phép nó trở lại. Sau đó, bạn cảm thấy buồn vì mình thật yếu đuối, mình thật tệ hại…
Bạn biết cảm giác ấy chứ?
Tôi rất hiểu cảm giác đó. Những lúc ấy, tôi lại nhớ tới câu nói trong tấm thẻ này:
Đừng BUỒN vì nó đã xảy ra, hãy CƯỜI vì bạn vẫn còn sống!!!
Đừng BUỒN vì bạn đã thất bại, hãy CƯỜI vì bạn vẫn có thể bắt đầu lại!
Đừng BUỒN vì bạn đã có nhiều thói xấu, hãy CƯỜI vì nhờ thế mà chúng ta mới có duyên gặp nhau… và khám phá một trong những nguyên tắc bỏ thói quen xấu hiệu quả, với sức mạnh của trí tưởng tượng!
Nguyên tắc bỏ thói quen xấu: Cách tạo động lực mạnh mẽ để “vượt ngục”
Nếu đã đọc sách Thay Thói Quen Đổi Cuộc Đời, bạn sẽ thấy đối với việc tạo thói quen mới, thì việc tập trung vào cảm xúc là một sai lầm. Bởi vì nếu chờ cảm hứng tới thì mới hành động, nếu phụ thuộc vào cảm xúc, một thứ thất thường như vậy thì rất khó tạo ra thói quen, một thứ ổn định. Còn nguyên tắc bỏ thói quen xấu thì sẽ khác.
Thói quen xấu hay tốt, thì cũng đều là thói quen. Điểm khác biệt là đối với hầu hết mọi người, nhiều thói quen tốt chưa hình thành, còn thói quen xấu thì đã đông như kiến cỏ. Chúng giống như những song sắt nhà tù với nguyên liệu là cảm xúc mạnh mẽ, cản trở bạn đến với bầu trời tự do ngoài kia.
Đó là lý do mà nguyên tắc bỏ thói quen xấu là bạn cần một động lực mạnh mẽ để “vượt ngục”. Bạn cần một nguồn cảm xúc tạo ra các công cụ cứng cáp, để có thể cưa các chấn song cảm xúc của nhà tù thói quen xấu, hoặc ít nhất là động lực đủ mạnh để tạo một lỗ thủng trên tường hoặc sàn nhà.
Đôi khi bạn không cần phải biết nguyên tắc bỏ thói quen xấu để bỏ thói quen xấu?
Cú sốc tâm lý, hay cảm xúc mạnh mẽ do sự tổn thương về thể xác hoặc tinh thần đem lại, có thể khiến một người chia tay với một thói quen xấu nào đó vĩnh viễn, hoàn toàn tự động, mà không cần phải biết về các nguyên tắc bỏ thói quen xấu.
Bản thân tôi không bao giờ động vào thuốc lá, thậm chí còn kì thị những người hút thuốc. Nguyên do là vào năm học lớp 1, khi còn là đứa trẻ ngây thơ, tôi đã… hút thuốc. Thực ra, một người bạn của anh trai tôi đã đút điếu thuốc đầu đời vào mồm tôi. Kết quả là tôi ho sặc sụa cả ngày và nhớ mãi kỉ niệm đó. Giờ đây, nếu có ai đó hút thuốc cách cả chục mét, tôi vẫn nhận ra và tránh xa!
Tất nhiên, chẳng ai mong muốn các biến cố kiểu như vậy cả. Và tin vui, là bạn có thể tự tạo ra được các nguồn động lực mạnh mẽ, nếu như bạn trả lời được các câu hỏi sau:
Điều tồi tệ nào sẽ xảy ra, khi tôi vẫn giữ thói quen xấu đó?
Bỏ được thói quen xấu đó sẽ có ích cho tôi như thế nào?
Sự thật là nhiều người biết rằng hút thuốc hay một thói quen xấu nào đó là không tốt, nhưng họ vẫn cứ làm. Bởi vì họ bị cảm xúc thao túng (tới mức không nhận ra), do vậy việc trả lời các câu hỏi đó ở tầng lý trí, sẽ không có hiệu quả. Bạn cần phải giúp cho bộ não của mình nhận thức sâu sắc về nó.
Có hai cách để bộ não nhận thức sâu sắc về một thứ gì đó. Một là thông qua trải nghiệm thực tế, cụ thể là một biến cố nào đó, như là trường hợp tôi bị đút điếu thuốc đầu đời vào mồm. Cách này rất nguy hiểm, và khả năng thành công cũng không chắc chắn (nếu lúc đó mà không ho sặc sụa cả ngày, có lẽ giờ tôi đã hút thuốc). Nên các nhà khoa học hành vi khuyến khích bạn thực hiện con đường số hai với sức mạnh của trí tưởng tượng.
Áp dụng nguyên tắc bỏ thói quen xấu với sức mạnh của trí tưởng tượng
Có rất nhiều thí nghiệm khoa học, khẳng định sức mạnh của trí tưởng tượng là có thật. Một trong số đó là của một tiến sĩ về thể thao, Judd Blaslotto, ĐH Chicago, Mỹ, thực hiện trên một đội bóng rổ vào năm 1996.
Tiến sĩ đã chia một đội bóng rổ ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm được luyện tập theo một cách khác nhau trong 30 ngày.
1 – Nhóm 1 nghỉ ngơi, không luyện tập gì cả.
2 – Nhóm 2 tập luyện đều đặn, ném rổ 30 phút mỗi ngày.
3 – Nhóm 3 tới phòng tập nhưng không được động tay vào bóng, mà chỉ được nhắm mắt tưởng tượng về cảnh mình ném bóng trúng rổ.
Kết quả: Sau 30 ngày, nhóm 1 không có gì tiến bộ, còn nhóm 2 và nhóm 3 đều cải thiện thành tích ném rổ tương đương nhau, 23-24%.
Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sức mạnh và lợi ích của trí tưởng tượng: Não bộ không phân biệt được trải nghiệm tưởng tượng, và thật. Michael Jordan, huyền thoại bóng rổ cũng chia sẻ là trước mỗi cú ném, anh đều tưởng tượng ra hình ảnh quả bóng rơi trúng rổ. Hay Tiger Woods cũng làm tương tự, nhờ đó mà ông nổi tiếng với các cú đánh trúng lỗ với cự ly gấp đôi gấp ba người thường.
Bạn có thể áp dụng sức mạnh của trí tưởng tượng để tập các thói quen tốt, và cũng có thể bỏ thói quen xấu, tuy nhiên…
Lưu ý khi áp dụng nguyên tắc bỏ thói quen xấu với trí tưởng tượng
“Đừng hút thuốc”
“Đừng lướt Facebook”
“Đừng đọc tiếp…”
Khi đọc các câu trên, trong bộ não bạn hiện ra thứ gì? (Và bạn vẫn đọc đấy chứ?). Một sự thật khác là bộ não không phân biệt được giữa khẳng định và phủ định. Đó có lẽ là lý do cứ chỗ nào ghi “cấm đổ rác” là y như rằng cạnh cái biển cấm là một đống rác. Do vậy, nếu bạn không áp dụng nguyên tắc bỏ thói quen xấu này đúng cách, thì việc tưởng tượng có thể làm thói quen xấu của bạn xấu hơn.
Cách áp dụng đơn giản nhất, dễ dàng nhất, và an toàn nhất, là bạn tìm và xem các thước phim nói về tác hại của một thói quen xấu nào đó. Mục đích chính là để bộ não khắc sâu các tác hại đó vào tâm khảm.
Bạn có thể tham khảo các Clip nói về tác hại của một số thói quen xấu dưới đây.
1 – Clip nói về tác hại của thức khuya, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe và tinh thần của bạn.
2 – Phóng sự đặc biệt, nói về quá trình tìm ra thuốc lá, và những tác hại mà nó đem lại. Lưu ý: Clip có một số hình ảnh nhạy cảm, cân nhắc trước khi xem.
3 – Bài phát biểu của Philip Wollen, cựu chủ tịch tập đoàn Citibank, nói về thói quen xấu ăn thịt, và khuyên bạn chuyển sang ăn chay vì lợi ích của bản thân và toàn thế giới. Lưu ý: Clip có một số hình ảnh nhạy cảm, cân nhắc trước khi xem.
Bạn có thể tìm được rất nhiều các clip như thế này bằng từ khóa “tác hại của { tên thói quen xấu }” trên Youtube. Bí quyết là xem đi xem lại, thậm chí mỗi ngày, cho tới khi bạn dễ dàng tưởng tượng lại nội dung bộ phim đó. Và mỗi lần chỉ cần nghĩ tới thói quen xấu đó thôi, là đã phát ớn rồi.
Một cách khác áp dụng nguyên tắc bỏ thói quen xấu với trí tưởng tượng này
Trong trường hợp bạn vẫn muốn sử dụng cách tưởng tượng như Michael Jordan, hay Tiger Woods, thì bạn phải tưởng tượng về một điều tích cực. Đó là một thói quen thay thế cho thói quen xấu bạn muốn bỏ. Chẳng hạn:
1 – Nếu muốn bỏ thói quen ngủ nướng, bạn hãy đi ngủ sớm, và trước khi ngủ hãy tưởng tượng liên tục về buổi sáng, bạn dậy sớm, tập thể dục, tràn trề cảm hứng.
2 – Nếu muốn bỏ thói quen trì hoãn, thì ngay khi quyết định làm gì đó, hoặc nhận việc hãy tưởng tượng liên tục tới cảnh bạn bắt tay vào ngay và cảm giác sung sướng khi hoàn thành.
3 – Nếu muốn bỏ thói quen lướt Facebook, hãy tưởng tượng cảnh mỗi lần bạn bật Smartphone lên, thì làm việc gì đó hữu ích. Như là… bật Podcast của Fususu để nghe chẳng hạn.
Tin bên lề: Tôi vừa mới ra mắt kênh Podcast, bạn có thể nghe các Blog của Fususu được cập nhật liên tục. Hãy tìm kiếm từ khóa Fususu trên Spotify, Google Podcast, hoặc Apple Podcast.